Rác thải từ mũ bảo hiểm xe máy, thường bị bỏ đi sau khi hết hạn sử dụng, đang trở thành vấn đề nghiêm trọng. Để giải quyết chuyện này, Dainese – công ty mẹ của thương hiệu AGV – đã khởi động dự án tái chế mũ bảo hiểm mang tên Life Impacto.
Mục tiêu của dự án là kéo dài vòng đời mũ bảo hiểm bằng cách tái chế chọn lọc, biến quy trình xử lý từ chôn lấp hoặc đốt bỏ thành một vòng tuần hoàn bền vững. Dainese đặt tham vọng áp dụng quy trình này ở quy mô công nghiệp, tập trung vào việc tách và tái chế hiệu quả các loại nhựa trong mũ bảo hiểm, từ đó giảm thiểu tối đa lượng rác thải không cần thiết.
Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển của Dainese Group, ông Massimo Varese, nhấn mạnh rằng việc tái chế sẽ không làm ảnh hưởng đến tiêu chuẩn an toàn.
“Cứu mạng sống vẫn là mục tiêu chính của chúng tôi,” ông chia sẻ. “Các mũ bảo hiểm được sản xuất sẽ vẫn đảm bảo các tính năng và tiêu chuẩn an toàn giống như những chiếc làm từ nhựa mới. Điều quan trọng là tái sử dụng vật liệu khi có thể. Ví dụ, polycarbonate dùng để làm kính gió – nếu không thể tái sử dụng cho mục đích ban đầu, chúng tôi có thể dùng nó để sản xuất các bộ phận như đuôi gió.”
Hiện tại, Dainese đang xây dựng một nhà máy mới cho dự án này. Công ty mong muốn giải quyết hai thách thức lớn: tái chế nhựa từ mũ bảo hiểm cũ và thiết kế mũ mới sao cho dễ tái chế hơn trong tương lai. Nhà máy này sẽ xử lý các mũ bảo hiểm đã qua sử dụng, phân loại các loại nhựa như ABS, EPS và PC, để tái chế thành linh kiện cho các mẫu mũ AGV mới. Mục tiêu ban đầu của dự án là tái chế 5.000 mũ bảo hiểm.
Re-Sport, một công ty của Đại học Bologna chuyên về công nghệ tái chế thiết bị thể thao bằng vật liệu composite, là một trong bốn đối tác từ Ý mà Dainese đang hợp tác để phát triển công nghệ này. Ba đối tác còn lại bao gồm Innovando, một công ty logistics; Misitano & Stracuzzi, nhà cung cấp dung môi sinh học làm từ chất thải trái cây họ cam quýt; và Đại học Bologna.
Từ 5.000 mũ bảo hiểm tái chế, dự án kỳ vọng thu hồi được 3.655 kg nhựa ABS, 1.056 kg nhựa EPS, và 637 kg nhựa PC. Quá trình tái chế cũng sẽ giảm 50% lượng nước sử dụng, đồng thời cắt giảm 60% lượng điện năng tiêu thụ và khí thải CO2.
Mũ bảo hiểm dù không bị hư hại do va đập cũng chỉ có tuổi thọ nhất định. Theo hướng dẫn của các nhà sản xuất, người dùng nên thay mới mũ bảo hiểm sau mỗi 5-7 năm, dẫn đến việc tạo ra một lượng lớn rác thải. Dự án Life Impacto có thể đánh dấu sự khởi đầu cho một thay đổi lớn trong thị trường mũ bảo hiểm, khuyến khích các phương pháp sản xuất thân thiện với môi trường mà vẫn đảm bảo an toàn cho người chạy xe máy.
Theo: Tinhte