Đã bước sang ngày thứ 08 trong hành trình chinh phục vùng đất Tây Tạng, tôi và các thành viên bắt đầu xuất phát lúc 07h00, rời khỏi thành phố Xương Đô với không khí đang hừng sáng. Lộ trình trong ngày thứ 08 là cả đoàn sẽ đi theo quốc lộ 318 men theo thượng nguồn các dòng sông Nộ Giang, Sông Hằng đi qua các thảo nguyên, men theo các hẻm núi hùng vĩ với đủ màu sắc của thảm thực vật ở độ cao gần 4000m để tới hồ RanWu và Bo Mi (Ba Mật), và đặc biệt nhất là trải nghiệm vượt “72 khúc cua của sông Nộ Giang” – đoạn đường khúc khuỷu dài khoàng 30km ở độ cao từ 1.800m - 4.658m.
Cả đoàn quyết định đi sớm hơn dự kiến để tránh bị kẹt xe do có nhiều đường đang thi công bởi sạt lở núi đá, đường đang trải nhựa,… Các thành viên không ai kịp ăn sáng, thức ăn sẽ được mang theo trên xe hậu cần.
20 chiếc BMW R 1250 GS/GSA đang trên đường hoàn thành mục tiêu cho ngày thứ 08 với hơn 400km, không khí xuống chỉ còn khoảng 5 - 7 độ C lúc sáng sớm nên rất lạnh. Tôi đã phải mặc rất nhiều lớp áo bên trong, đeo găng tay để giữ ấm cơ thể, cộng với công nghệ sưởi tay lái trên xe nên cũng giúp tôi bớt bị hiện tượng cóng tay.
Trên đường đi không khỏi bắt gặp những đàn bò Yak di chuyển trên đường, một đặc sản văn hóa trên vùng đất Tây Tạng. Và mặt trời dần ló dạng, ánh sáng hiện dần trên những quả đồi núi cao trông từ phía xa rất đẹp và hùng vĩ.
Tuy bầu trời đã xuất hiện ánh nắng, thế nhưng nhiệt độ bên ngoài xuống chỉ còn khoảng 2 độ C mà thôi, cộng với việc di chuyển ở vận tốc khá nhanh nên vẫn rất lạnh và cóng tay.
Cả đoàn dừng chân chụp ảnh lưu niệm tại một quảng trường để tiến vào 72 khúc cua nguy hiểm trên vùng đất Tây Tạng.
Việc đổ đầy bình xăng trước khi xuất phát là điều cả đoàn bắt buộc phải làm khi chuẩn bị hành trình mới mỗi ngày.
Tranh thủ ăn sáng nhẹ để nạp năng lượng.
Một chút kinh nghiệm chia sẻ trong hành trình chinh phục Tây Tạng đó là bạn nên thủ sẵn thuốc hoặc thực phẩm chức năng có liên quan đến việc chống say độ cao do thiếu oxy, như sản phẩm mà tôi và cả đoàn sử dụng trong chuyến đi Tây Tạng chẳng hạn.
Khoảng 9h30 sáng, cả đoàn tiếp tục xuất phát sau khi đã ăn sáng và đổ xăng đầy bình. Bạn sẽ nhìn thấy bảng chỉ đường để di chuyển vào 72 khúc cua với độ cao thêm khoảng 2.000 mét, quãng đường dài khoảng 30km.
Mặt đường di chuyển dần vào 72 khúc cua không được bằng phẳng cũng là thử thách không hề nhỏ đối với tôi và các thành viên trong đoàn, bù lại dòng xe ADV như BMW R 1250 GS/GSA thể hiện được sức mạnh và tỏa sáng mà những dòng xe khác rất khó vượt qua một cách dễ dàng.
Một chút thông tin về cung đường mà chúng tôi đang chinh phục thì có tên 72 khúc cua của sông Nu Jiang, chảy từ phía nam của cao nguyên Tây Tạng ở Trung Quốc tới Myanmar và Thái Lan, dọc theo đường cao tốc Tứ Xuyên - Tây Tạng giữa Basu và Bangda. Con đường dài khoảng 30km dọc theo tuyến cao tốc, lên từ độ cao 1.800m tới 4.658m.
Mặt khác, rất nhiều phương tiện di chuyển khác nhau từ 2 bánh đến 4 bánh bị mắc kẹt và bỏ lại trên đường bởi rất nhiều lý do khác nhau, có thể đến từ người điều khiển phương tiện, thời tiết, hoặc phương tiện bị hư hỏng như xì lốp, hết xăng, chết máy,… Trải nghiệm thực tế, tôi cảm thấy cung đường 72 khúc cua cũng không quá khó khăn như các trang báo đưa tin, và bạn cũng nên có sự chuẩn bị ngay từ ban đầu thật tốt về mặt sức khỏe, kĩ năng lái cũng như xe hậu cần và các vật dụng cứu hộ sửa chữa để tránh những tình huống như trên.
Sau khi chinh phục thành công 72 khúc cua nguy hiểm, cả đoàn ghé vào một quán ăn trên đường để dừng chân nghỉ ngơi và dùng bữa trưa.
Trong lúc chờ kẹt xe thì vài khách địa phương trên đường cũng rất thích thú, trò chuyện, và chụp ảnh lưu niệm cùng các thành viên. Do tôi và cả đoàn không biết tiếng địa phương cũng như ứng dụng dịch thuật hoạt động không chuẩn xác nên việc giao tiếp cũng gặp khó khăn. Tuy vậy, những cuộc gặp gỡ này lại mang đến những cảm xúc rất vui và thú vị để tôi và các thành viên trong đoàn không còn thấy mệt mỏi nữa.
Chúng tôi tiếp tục hành trình trên cung đường với bên trái là núi đá có thể sạt lở bất kì lúc nào, bên phải là vực thẳm và dòng suối chảy siết, chính giữa là những con bò Yak đi long nhong trên đường.
Và rồi, hiện lên trước mắt tôi và các thành viên là một khung cảnh tuyệt đẹp và hùng vĩ với những ngọn đồi phía xa xa nhiều màu sắc.
Cảnh đẹp thì không thể không chụp hình.
Cả đoàn tiến vào khu vực thảo nguyên gần đó để dừng chân nghỉ ngơi, thưởng thức không khí và bầu trời trên vùng đất thảo nguyên Tây Tạng.
Sau khi thỏa mãn với không gian thảo nguyên, cả đoàn tiếp tục di chuyển đến địa điểm tiếp theo là hồ RanWu.
Hồ Ranwu có nghĩa là "một hồ dê" bằng tiếng Tây Tạng, nằm ở rìa đường cao tốc Tứ Xuyên - Tây Tạng, cách thành phố Basu thuộc quận Qamdo của Tây Tạng 89 km về phía tây nam, là nguồn chính của Palang Zangbo, một nhánh của sông Yarlung Zangbo. Hồ có diện tích 27km vuông, nằm ở độ cao khoảng 3.850 mét và được tạo ra bởi một con đập bị sạt lở.
Khoảng 17h20, cả đoàn rời khỏi hồ Ranwu và di chuyển đến khách sạn để nghỉ ngơi, ở vùng đất Tây Tạng thì mặt trời bắt đầu lặn vào khoảng 19h30 (tức 18h30 giờ Việt Nam), còn buổi sáng thì khoảng 08h30 (07h30 giờ Việt Nam) mặt trời mới ló dạng ở vùng đất Tây Tạng.
Lại một điều bất ngờ và vui vẻ nữa là cả đoàn bắt gặp lại người dân địa phương đã giao lưu chụp ảnh lưu niệm trước đó, và tiếp tục chia sẻ thức ăn cho tôi và các thành viên thưởng thức, một kỉ niệm rất đáng nhớ trong hành trình này.
Đã 17h45, cả đoàn vẫn còn bị kẹt xe.
Gần 18h00, đường vẫn kẹt cả cây số, bởi đây là con đường duy nhất để dẫn vào khu Everest Base camp, thế nên khi có sự cố sạt lở do núi đá trên đường thì việc kẹt xe kéo dài vài tiếng đồng hồ cũng là chuyện rất bình thường.
Cả đoàn dừng chân tại trạm kiểm soát Tây Tạng để kiểm tra nhanh các giấy tờ cần thiết.
Gần 19h30 mà trời vẫn còn khá sáng.
Sau khoảng 20h00, tôi và các thành viên cũng đã đến được khách sạn để nghỉ ngơi và kết thúc hành trình ngày thứ 08 tại Pome (còn có tên gọi khác là Bomi) là một huyện của địa khu Qamdo, khu tự trị Tây Tạng, Trung Quốc.
Điểm thú vị khác trong ngày đó là cả đoàn có đi ngang qua quốc lộ G318, đây là con đường huyền thoại, nổi tiếng đẹp nhất và cũng là quốc lộ dài nhất Trung Quốc với 2.142km, bao gồm hai tuyến đường khác nhau. Điểm bắt đầu của cả hai tuyến đều là Thành Đô, Tứ Xuyên, và điểm cuối cũng đều là Lhasa, Tây Tạng, tuy nhiên sau khi phân nhánh khi từ Tân Đô Kiều, đường phía bắc kéo dài về phía bắc một quãng đường dài, từ đó có thể thấy tổng quãng đường trên tuyến phía bắc tương đối nhiều. Tuyến Nam Tứ Xuyên – Tây Tạng (Quốc lộ 318) có tổng chiều dài 2.140 km, trong khi tuyến phía Bắc Tứ Xuyên-Tây Tạng (Quốc lộ 317) có tổng chiều dài 2,320 km.
=== Hết ngày 08, hẹn cả nhà tập 9 Ký sự Tibet 2023 !!! ===