Đã bước sang ngày thứ 06 trong hành trình chinh phục vùng đất Tây Tạng, cả đoàn đã di chuyển được quãng đường gần 1.200km. Thức dậy vào khoảng 07h00 sáng, tôi và các thành viên chuẩn bị đồ đạc để tiếp tục lên đường. Càng về sau, điều kiện khí hậu sẽ khắc nghiệt hơn rất nhiều, thế nên một thành viên trong đoàn mang theo hẳn một chiếc máy tạo oxy nhỏ gọn để sử dụng trong tình huống cần thiết.
Tranh thủ làm vài món ăn sáng tại khách sạn, tuy nhiên khẩu vị nơi đây khá nhạt.
Các thành viên kiểm tra lại tất cả từ hành lý, phương tiện, các vật dụng khác để việc xuất phát được suôn sẻ. Riêng tôi thì phải thêm công đoạn kiểm tra và lắp đặt GoPro để đảm bảo có góc quay đẹp nhất. Và tất cả video trong hành trình này tôi quay bằng chiếc HERO 12 Black mới nhất của GoPro.
Rời khỏi Lệ Giang cổ trấn, cả đoàn tiếp tục di chuyển trên đường cao tốc đi xuyên qua những ngọn núi trùng trùng điệp điệp, và mình vẫn luôn giữ quan điểm rằng hệ thống cao tốc bên Trung Quốc rất cao và xịn. Xe phân khối lớn được phép lưu thông trên cao tốc với tốc độ giới hạn giống như xe hơi, tuy nhiên sẽ có giới hạn là không được chờ người ngồi phía sau, nếu không sẽ bị phạt nặng. Mình cũng hy vọng hệ thống cao tốc ở Việt Nam cũng sẽ sớm cho phép xe phân khối lớn được lưu thông trên cao tốc để thuận tiện hơn trong việc di chuyển.
Và mỗi sáng khi xuất hành, cả đoàn bắt buộc phải đổ đầy bình nhiên liệu trên chiếc xe của mình, kể cả xe hậu cầu để không bị trì hoãn khi di chuyển. Và khoảnh khắc nhờ ứng dụng dịch thuật để nói chuyện và chi trả tiền đổ xăng cho nhân viên cũng rất vui vẻ.
Địa điểm tiếp theo cả đoàn sẽ dừng chân trong ngày thứ 06 đó là Shangri-La, và điểm đặc biệt lần này chính là cả đoàn di chuyển trên hệ thống cao tốc đường hầm đi xuyên qua ngọn núi Tuyết Ngọc Long được mệnh danh là núi “Phú Sỹ của Trung Quốc”, ở thành phố Lệ Giang, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Dự án này đã được hoàn tất sau hơn 8 năm xây dựng, vượt qua rất nhiều thử thách, xảy ra hơn 200 sự cố. Đường hầm dài 14,7km là một phần của tuyến đường sắt Lệ Giang - Shangri-La, đoạn quan trọng thuộc tuyến đường sắt Vân Nam – Tây Tạng.
Sau quãng đường di chuyển khoảng 130km, cả đoàn ghé vào trạm dừng chân trên cao tốc để nghỉ ngơi nhanh, lúc này vào khoảng hơn 10h00 sáng và nhiệt độ xuống chỉ còn khoảng 14 độ, cách mặt nước biển khoảng 3.200 mét.
Và rồi cả đoàn cũng đã đến địa điểm nằm trong hành trình ngày thứ 06, đó là Bảo tháp Shangri-la, hay còn có tên gọi là Bạch Tháp (Shangri-la Inner Harmony Stupa of Pagoda). Kiến trúc bao gồm bảo tháp bên ngoài cao đến 108 mét và có nền móng rộng tới 4.900 mét vuông, trong khi bảo tháp bên trong cao đến 33 mét. Bên trong khuôn viên, nằm bên dưới Bạch Tháp sẽ có rất nhiều trụ xoay nằm bao quanh, khách du lịch đi đến đây có thể xoay hết tất cả các trụ để cầu bình an và may mắn trong cuộc sống.
Rời khỏi Bạch Tháp, cả đoàn ghé thăm cơ sở sản xuất thịt bò Yak lớn nhất Trung Quốc. Loài bò Yak là một phần biểu tượng trong cuộc sống của người Tây Tạng, bắt nguồn từ cao nguyên Thanh Tạng và sớm được những người Tây Tạng cổ thuần hóa khoảng 10.000 năm trước. Nhờ dung tích phổi lớn gấp 3 lần bò thường, bò Yak dễ dàng thích nghi với điều kiện không khí loãng tại Tây Tạng. Con đực được thuần hóa có thể nặng gần 600kg. Con cái nặng nhất cũng lên tới gần 300 kg. Trong khi đó, Yak sống ngoài tự nhiên nặng đến 1.000 kg. Bò Yak có bộ lông dài, dày, rủ xuống qua bụng. Yak hoang dã thường có màu sẫm. Trong khi đó, bò nhà lại có màu lông đa dạng hơn, phổ biến là nâu và kem. Sừng bò Yak có một đoạn cong đặc trưng, dài tới 99cm (đực) hoặc 64cm (cái). Một đặc điểm chung là chúng đều có một bướu trên lưng.
Loài bò này được người dân Tây Tạng thờ phụng. Bạn sẽ không khó để bắt gặp hình ảnh những bức tượng khổng lồ của chúng. Khi bò Yak chết, người dân thường giữ đầu chúng để treo trong nhà. Phần xương của chúng cũng được dùng làm thành những tràng hạt để hành trì. Bò Yak cũng được người dân sử dụng để mang vác hàng hóa. Nhờ sức mạnh thể chất vượt trội, chúng có thể vác 100-200kg và di chuyển khoảng 15 km/ngày. Lớp lông dày giúp chúng làm việc kể cả khi thời tiết khắc nghiệt nhất, xuống tới âm 40 độ C. Yak là loài vật ôn hòa. Chúng không bao giờ phản kháng lại chủ. Tuy nhiên, trong điều kiện hoang dã, bò Yak sẵn sàng đánh nhau với kẻ thù của mình cho tới khi một bên bỏ mạng.
Bên cạnh việc vận chuyển, người Tây Tạng còn dùng bò Yak để lấy sữa, lông làm áo. Nhiều người Tây Tạng theo Phật giáo nên họ thường tránh ăn thịt bò Yak. Dù vậy, du khách đến Tây Tạng vẫn có thể tìm thấy nhiều cửa hàng bán sản phẩm làm từ thịt bò Yak trên phố, và phân bò Yakcòn được dùng làm nhiên liệu đốt.
Một lá cờ của Hồng quân Công nhân và Nông dân Trung Quốc được khắc trên núi đá ở huyện Derong, châu tự trị Tây Tạng, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Đây cũng là bức phù điêu khắc bằng đá có hình lá cờ trên núi lớn nhất thế giới, bắt đầu được xây dựng vào năm 2022, lá cờ bằng đá được khắc sâu trên vách đá cạnh sông Kim Sa và hoàn thành vào tháng 08 năm 2022 với diện tích 1936,57 mét vuông. Tác phẩm được công nhận bởi Tổ chức World Record Certification (WRCA) vào ngày 27 tháng 03 năm 2023.
Cả đoàn đi ngang qua trạm kiểm soát của công an Shangri-La.
Địa điểm du lịch cả đoàn ghé nhanh để chụp ảnh check-in là đầu nguồn sông Trường Giang nhìn từ trên cao rất hùng vĩ.
Và địa điểm cả đoàn sẽ dừng chân nghỉ ngơi tối ngày thứ 06 là khách sạn trong một thị trấn nhỏ ở huyện Đức Khâm, còn được gọi là Vùng đất Như Ý Cát Tường, nằm ở độ cao khoảng 3.300 mét so với mặt nước biển. Khí hậu lạnh và oxy khá loãng nên tôi cảm thấy hơi khó thở một chút, cần phải hạn chế vận động mạnh để đảm bảo có sức khỏe thật tốt và ổn định cho những hành trình dài phía trước. Đó là tất cả những gì tôi cùng các thành viên trong đoàn trải nghiệm trong ngày thứ 06 chinh phục vùng đất Tây Tạng.
=== Hết ngày 06, hẹn cả nhà tập 7 Ký sự Tibet 2023 !!! ===