Càng về sau, không chỉ riêng tôi mà cả đoàn đều rất mệt mỏi khi hành trình ngày càng khó khăn hơn. Chúng tôi đến khách sạn và nghỉ ngơi lúc 01h00 sáng cùng ngày, các thành viên khác thì ai cũng tranh thủ chợp mắt thật nhanh, riêng tôi thì còn phải chép tất cả video từ thiết bị ghi hình vào laptop, nhưng cũng đành phải chợp mắt ngủ vì quá mệt mỏi, không thể làm được gì thêm. Và rồi mặt trời cũng ló dạng bước sang ngày thứ 04, tôi cùng các thành viên tranh thủ ăn sáng để nạp năng lượng, chuẩn bị cho quãng đường hơn 400km chờ đón phía trước.
Tây Song Bản Nạp hay Sipsong Panna là châu tự trị dân tộc Thái ở phía tây nam tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, giáp giới với Lào và Myanmar. Có vị trí ngang với tỉnh Lai Châu của Việt Nam - có địa hình thấp hơn Hà Giang. Tây Song Bản Nạp là quê hương của tộc người Thái (Dai). Khu vực này nằm ở độ cao thấp hơn so với phần lớn tỉnh Vân Nam, và có khí hậu nhiệt đới.
Đặc biệt, trà trong vùng được tập trung ở một ngôi làng có tên là Dị Võ. Sau đó trà được vận chuyển lên phía Bắc, rồi lại được tập trung ở một làng khác gọi là Phổ Nhĩ. Thế nên đến tận mãi ngày nay thì trà có tên là trà Phổ Nhĩ, còn Dị Võ vẫn được xem là một trong những vùng trà Phổ Nhĩ nổi tiếng nhất của Vân Nam.
Chiếc xe hậu cần đã hỗ trợ cả đoàn rất nhiều trong việc vận chuyển tất cả hành lý, cũng như các vật dụng cần thiết và quan trọng khác.
Lúc 08h45, cả đoàn rời khỏi khách sạn và bắt đầu hành trình đến huyện Vi Sơn. Trải nghiệm mới trong ngày thứ 04 ngoài không khí, con đường, người dân, văn hóa, di chuyển theo xe hậu cần phía bên Trung Quốc thì cả đoàn sẽ không dùng ứng dụng Google Maps, thay vào đó là ứng dụng bản đồ riêng của Trung Quốc để dẫn đường chính xác nhất.
Cái hay trên ứng dụng bản đồ của Trung Quốc đó là hiển thị thời gian đếm ngược tại các ngã rẻ rất chính xác, từ đó bạn dễ dàng điều khiển tốc độ chiếc xe sao cho hợp lý.
Ở Trung Quốc, người dân được nghỉ Tết Trung Thu và Quốc khánh rất nhiều ngày, cũng như được miễn thu phí khi di chuyển trên quốc lộ. Mặt khác, quốc lộ nói riêng được bố trí rất nhiều camera để xử phạt hành chính, và Trung Quốc cũng là quốc gia có mật độ camera dày đặc nhất thế giới. Đặc biệt, tùy khu vực tỉnh mà cao tốc trên Trung Quốc cho phép xe phân khối di chuyển với tốc độ bằng với xe hơi, tuy nhiên không được phép chở người phía sau.
Việc sử dụng internet để tôi chia sẻ ảnh và video trên YouTube, mạng xã hội rất khó khăn. Bạn sẽ phải mua SIM data do nhà tour cung cấp hoặc tự mua SIM data trước đó, bởi kết nối internet ở khách sạn hay bất cứ đâu trên Trung Quốc đều sẽ chặn truy cập tất cả các dịch vụ của Google.
Cả đoàn tấp vào trạm xăng để nạp nhiên liệu, xăng được đổ là loại 98 và thanh toán thông qua ứng dụng AliPay. Xe của tôi nạp đầy bình nhiên liệu vào khoảng 14,3 lít, quy ra đơn vị tiền tệ bên Trung Quốc là 145 tệ tương ứng khoảng 490.000 VNĐ.
Thưởng thức một bản nhạc hay khi dừng chân cũng giúp giảm bớt căng thẳng đi nhiều, và sẽ tuyệt vời hơn nếu âm nhạc được phát ra từ một chiếc loa hay như mẫu loa di động không dây Middleton mới nhất của Marshall chẳng hạn.
Việc trang bị hệ thống liên lạc không dây thật ổn định như Cardo nói chung và tai nghe bluetooth Cardo EDGE nói riêng, khi kết nối sẽ giúp các thành viên trong đoàn lẫn xe hậu cầu liên lạc với nhau để hỗ trợ một cách an toàn trong suốt hành trình.
Sau quãng đường dài cứ nắng rùi lại mưa, cả đoàn tấp vào quán ăn ven đường để nạp năng lượng.
Vì cả đoàn đi đúng ngày Quốc khánh ở bên Trung Quốc, thế nên cả 2 trạm xăng cả đoàn di chuyển và bắt gặp trên cao tốc đều không có ai phục vụ. Thế là những ai đang đi chiếc R 1250 GSA phải san sẻ nhiên liệu cho những chiếc R 1250 GS có dung tích bình xăng nhỏ hơn.
Hơn 17h00, cả đoàn đã đến được khách sạn để dừng chân nghỉ ngơi.
Người dân tại khu phố cổ Vi Sơn phần lớn chuyển sang di chuyển bằng xe điện nên rất yên ắng và khá vắng vẻ. Kết thúc ngày thứ 04 hành trình chinh phục vùng đất Tây Tạng bằng việc cả đoàn đi tham qua khu phố cổ Vi Sơn bằng xe điện và ăn tối.
Ngoài những món ăn ngon thì cả đoàn có dịp thưởng thức loại bia có thể xem là đặc sản của tỉnh Vân Nam, đó là bia Wind Flower Snow Moon, tạm dịch ra tiếng Việt là “Phong Hoa Tuyết Nguyệt”. Hình ảnh trên loại bia này lấy cảm hứng từ một thành ngữ của Trung Quốc, có sự kết hợp đặc biệt với cảnh quan thiên nhiên và văn hóa của tỉnh Vân Nam. Hình minh họa ở mặt trước lấy cảm hứng từ những bức tranh màu nước truyền thống của Trung Quốc và kết hợp những bông tuyết, những bông hoa nở rộ và những làn gió trong hình bóng của trăng tròn. Cảm hứng được lấy từ những ngọn núi phủ tuyết của Vân Nam, vùng cao nguyên nở rộ hoa đỗ quyên và hình ảnh phản chiếu tuyệt đẹp của trăng tròn trên hồ Erhai. Trong khi đó, khuôn mặt của một cô gái trẻ ẩn sau những cành cây, một sự ám chỉ bí ẩn nhưng cũng vô cùng lãng mạn.
Tôi và những người bạn về lại khách sạn, nhâm nhi những miếng bánh và tách trà nóng, tro chuyện về chuyến hành trình và đi ngủ để lấy sức cho hành trình ngày thứ 05 đang chờ đón.
=== Hết ngày 04, hẹn cả nhà tập 5 Ký sự Tibet 2023 !!! ===