Ở độ tuổi trung niên, tôi đã tìm được thú vui và đam mê trong cuộc đời mình đó là chinh phục những cung đường đẹp trên khắp mọi miền đất nước, thậm chí là thế giới để khám phá và học hỏi thêm được nhiều điều mới mẻ trên quả Đất tròn này, đúng với câu slogan ưa thích của tôi là “Cuộc sống là những chuyến đi - Make Life A Ride”. Và với hành trình mới tiếp theo trong năm 2023, tôi cùng những người bạn đồng hành đã quyết định lựa chọn để đặt chân đến đó là vùng đất Tây Tạng (Tibet), và phương tiện để đưa tôi đi đến nơi, về đến chốn đó là chiếc R 1250 GS - dòng xe ADV nổi tiếng và rất thành công của thương hiệu BMW.
Vài ngày trước khi xuất phát, có lẽ không chỉ riêng mình tôi mà ai cũng sẽ có tâm trạng háo hức giống như những đứa trẻ sắp được đi chơi. Sửa soạn tất cả những vật dụng cần thiết nhưng cực kì quan trọng để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và làm việc hằng ngày, cũng như an toàn khi chạy xe và ở vùng đất Tây Tạng có môi trường rất khắc nghiệt.
Kể cả chiếc xe cũng phải được bảo dưỡng mọi thứ một cách kĩ lưỡng và tòan diện để đưa tôi vượt qua quãng đường lên đến 11.000km một cách an toàn nhất.
Tất cả các xe trong đoàn sẽ được vận chuyển trước ra Hà Nội, sau đó tôi và các thành viên sẽ tập kết ở BMW Motorrad Long Biên, Hà Nội để chuẩn bị xuất phát.
Bước vào ngày chạy đầu tiên, tôi và các thành viên tập trung ở khách sạn Top Hotel và bắt đầu xuất phát lúc 06h30. Trong chuyến đi chinh phục vùng đất Tây Tạng với quãng đường 11.000km, tính luôn cả tôi thì đúng 20 chiếc, và tất cả xe đều là BMW R 1250 GS/GSA. Lý do vì tất cả các thành viên đều đam mê và đã quá am hiểu dòng xe này, cũng như khi gặp sự cố thì việc xử lý tình huống sẽ dễ dàng và nhanh chóng hơn. Còn nếu nhiều loại xe khác nhau thì vấn đề sửa chữa sẽ khó khăn hơn rất nhiều, gây ảnh hưởng đến lộ trình đã đặt ra.
6h45, cả đoàn từ khu Mỹ Đình rời Hà Nội để đi lên thành phố Điện Biên với quãng đường gần 500km.
Gần 4 tiếng chạy xe liên tục, tôi và các thành viên phải chạy trong những cơn mưa tầm tã, thời tiết âm u rồi lại tiếp tục mưa to. Những điều kiện như thế, bật chế độ Rain trên chiếc R 1250 GS/GSA sẽ giúp cho người lái an toàn hơn, hạn chế trơn trượt khi chạy tốc độ cao hoặc bo cua ở những đoạn đường nhiều cát và sỏi. Bên cạnh đó, chiếc áo giáp bảo hộ được trang bị công nghệ Gore-Tex chống nước hoàn toàn cũng giúp tôi tự tin hơn khi chạy xe dưới cơn mưa lớn.
Cả đoàn dừng chân nghỉ ngơi tại huyện Vân Hồ, kiểm tra lại đồ đạc, nhâm nhi ly cafe nóng hổi thơm lừng và hút một điếu thuốc cho ấm người. Một chút thông tin thì Vân Hồ là một huyện vùng cao ở Sơn La, được cắt ra từ huyện Mộc Châu vào năm 2013. Là cửa ngõ kết nối các tỉnh vùng Tây Bắc với Hà Nội và vùng Đồng bằng sông Hồng theo quốc lộ 6, là điểm nút giao thông quan trọng trên quốc lộ 6, từ Vân Hồ có thể kết nối thuận lợi với huyện Mộc Châu, thành phố Sơn La, tỉnh Hòa Bình, tỉnh Điện Biên và tỉnh Lai Châu.
Một thành viên trong đoàn với đôi tay nhuốm phải màu đen từ đôi găng tay mới, thấm đẫm cơn mưa to vài tiếng đồng hồ.
Tiếp tục xuất phát, thời tiết vẫn muốn tạo thử thách cho cả đoàn bằng cơn mưa tầm tã. Nhìn từ phía xa, dòng chữ Mộc Châu trên lưng chừng núi.
Hơn 12h00 trưa, cả đoàn dừng chân tại ngã Ba Cò Nồi để chụp ảnh lưu niệm, may mắn là trời quang mây tạnh. Ngã ba Cò Nòi là nơi giao nhau giữa Quốc lộ 37 và Quốc lộ 6 thuộc địa phận xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Nơi đây 60 năm về trước là một “yết hầu” mà địch quyết liệt ngăn chặn hòng cắt đứt con đường vận tải, tiếp tế về mọi mặt cho chiến trường Điện Biên Phủ. Máu của hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong và nhân dân đã đổ xuống nơi “túi bom” này, viết lên khúc tráng ca bất diệt cho thắng lợi lịch sử Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”… Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi đã được Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng cấp quốc gia ngày 29 tháng 4 năm 2004, nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Khoảng 13h00, cả đoàn di chuyển đến địa điểm ăn trưa, thưởng thức những món ăn đặ sản thơm ngon vùng Tây Bắc đó là Nhà hàng Suối Hẹn Vườn Đào được mệnh danh là đẹp nhất và lớn nhất Tây Bắc do ông Võ Trọng Nghĩa thiết kế, có diện tích khoảng 3,3 hecta.
Trước khi di chuyển đến đèo Pha Đin, cả đoàn ghé ngang quảng trường Tây Bắc giữa lòng thành phố Sơn La để chụp ảnh lưu niệm.
Cả đoàn tiến vào đèo Pha Đin còn gọi là Dốc Pha Đin, nối liền giữa 2 tỉnh Sơn La - Điện Biên, lừng danh từ trong chiến dịch Điện Biên Phủ bởi phải hứng chịu hàng nghìn tấn bom đạn mà vẫn trường tồn, ngày nay còn được phong là một trong “tứ đại đỉnh đèo Tây Bắc” nổi tiếng hiểm trở và có cảnh đẹp mê hoặc du khách. Tên gọi đèo Pha Đin xuất phát từ tiếng dân tộc Thái là “Phạ Đin”, trong đó Phạ nghĩa “trời”, Đin là “đất” hàm ý chỗ tiếp giáp giữa trời và đất.
Khoảng 15h35, cả đoàn dừng chân tại di tích đèn Pha Đin để chụp ảnh lưu niệm, thưởng thức lê Pha Đin ngon và ngọt rất giải khát.
Sau khoảng 93km, hơn 17h30 cả đoàn đã đến điểm dừng chân đó là khách sạn Mường Thanh Điện Biên Phủ.
Trước khi nghỉ ngơi để dưỡng sức cho ngày thứ 02, tôi và cả đoàn đến thăm đền thờ liệt sỹ tại chiến trường Điện Biên Phủ, thắp nén hương tưởng nhớ các anh hùng chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc. Thiết kế công trình Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ là Thạc sĩ - Kiến trúc sư Phạm Trung Hiếu - Đại học Kiến trúc Hà Nội. Công trình bắt đầu khởi công xây dựng ngày 13/3/2021 lấy dáu mốc ngày diễn ra trận đánh mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ 67 năm trước và được khánh thành vào ngày 28/5/2022. Công trình đã nhận được những giải thưởng cao quý: giải Đồng giải Kiến trúc Quốc gia năm 2023 và giải Đặc biệt giải thưởng Quy hoạch đô thị Quốc gia lần thứ III (2022-2023).
=== Hết ngày 01, hẹn cả nhà tập 2 Ký sự Tibet 2023 !!! ===